Cơ thể của phụ nữ sau sinh thường khá yếu. Vì thế, trong quá trình sinh hoạt hàng ngày mẹ cần phải tuân thủ một số điều kiêng cữ nhất định. Với sự phát triển của đời sống, ngày nay việc ở cữ của mẹ trở nên nhẹ nhàng hơn. Vậy những quan niệm kiêng cữ sau sinh theo dân gian liệu có còn đúng? Đâu là những điều nên áp dụng và đâu là những quan niệm sai lầm? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để biết thêm thông tin chi tiết.
Kiêng cữ sau sinh bao lâu là phù hợp?
Kiêng cữ sau sinh là thuật ngữ chỉ những hoạt động mà mẹ sau sinh không nên làm. Sau quá trình vượt cạn, cơ thể người mẹ trở nên yếu hơn. Việc kiêng cữ sau sinh giúp cơ thể mẹ nhanh hồi phục, tránh được những vấn đề hậu sản không mong muốn.
Thông thường, thời gian kiêng cữ sau sinh theo dân gian là khoảng 100 ngày tùy từng vùng miền. Tuy nhiên, với sự thay đổi của đời sống hiện nay, các bác sĩ khuyên mẹ chỉ nên ở cữ từ 30 – 40 ngày là có thể sinh hoạt trở lại bình thường, tránh làm ảnh hưởng tới tâm lý cũng như sức khỏe của mẹ.
7 quan niệm kiêng cữ sau sinh theo dân gian nên áp dụng
Tuy là quan niệm xưa cũ so với hiện nay, nhưng việc kiêng cữ sau sinh theo dân gian cũng có những quan điểm đúng để đảm bảo sức khỏe của mẹ bỉm không bị suy giảm quá nhiều. Một số điều kiêng cữ theo dân gian mẹ có thể áp dụng như:
- Nằm nhiều, hạn chế đi lại, khom lưng: Mẹ sau sinh nên được nghỉ ngơi tối thiểu 6 – 8 giờ sau khi vượt cạn thành công. Mẹ không nên vận động, đi lại nhiều hay khom lưng trong khoảng thời gian này. Bởi khi sinh nở, tất cả các cơ quan của mẹ đều làm việc hết công suất. Do đó mẹ cần được nghỉ ngơi để tránh tình trạng đau lưng, mệt mỏi, stress sau sinh.
- Không làm việc nặng nhọc: Đây có lẽ là việc kiêng cữ quan trọng nhất mà mẹ sau sinh cần tuân thủ. Khi làm việc nặng, mẹ phải gồng cơ bụng, khiến cho vết mổ ở bụng hoặc vết khâu tầng sinh môn có thể bị hở, nhiễm trùng và lâu lành, thậm chí có thể gây băng huyết sau sinh và sa tử cung. Do đó mẹ cần tuyệt đối tránh làm việc nặng sau sinh.
- Kiêng quan hệ vợ chồng: Sau khi sinh nở, cơ thể người phụ nữ cần 4 – 6 tuần để hồi phục [1]Sex After Birth: What to Expect and How Long to Wait. Truy cập ngày 31/10/2024.
https://www.healthline.com/health/pregnancy/sex-after-birth. Việc quan hệ vợ chồng sớm có thể khiến cho mẹ bị xuất huyết tử cung, các vết mổ sau sinh hoặc vết khâu tầng sinh môn sẽ lâu lành hơn. - Kiêng lạnh: Cơ thể mẹ sau sinh trở nên suy nhược và dễ bị nhiễm lạnh. Do đó mẹ nên tránh tiếp xúc với nước lạnh, không nên uống nước đá lạnh, tắm hay giặt đồ bằng nước lạnh.
- Kiêng ngồi xổm: Ngồi xổm sẽ gây áp lực cho vùng bụng dưới và sàn chậu, mẹ sẽ dễ bị sa tử cung. Do đó mẹ không nên ngồi xổm ít nhất 6 tuần sau sinh. Ngoài ra các bác sĩ còn khuyên mẹ nên nằm khép chân hoặc bắt chéo chân.
- Chườm nóng bụng và vệ sinh vùng kín: Đây là việc làm cực kỳ quan trọng giúp mẹ phòng tránh nguy cơ nhiễm trùng và nhanh chóng phục hồi sức khỏe.
- Không tiêu thụ đồ uống có cồn: Mẹ sau sinh cần tránh tiêu thụ đồ uống có cồn nhằm đảm bảo sức khỏe cho chính mẹ và tránh làm ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ.
10 sai lầm khi kiêng cữ sau sinh theo dân gian
Với sự phát triển của khoa học tiến bộ, một số quan niệm kiêng cữ sau sinh không còn phù hợp nữa. Nhờ vậy mẹ sau sinh cảm thấy thoải mái hơn trong thời gian ở cữ. Các bác sĩ chỉ ra những điều kiêng cữ sau sinh không còn phù hợp như:
- Kiêng tắm gội: Theo quan niệm dân gian, phụ nữ sau sinh cần kiêng tắm gội trong thời gian 1 tháng ở cữ. Tuy nhiên, việc không tắm gội quá lâu có thể khiến cho cơ thể mẹ bị ngứa ngáy, khó chịu, tạo điều kiện cho vi khuẩn và các mầm bệnh xâm nhập gây hại cho sức khỏe mẹ và bé. Do đó mẹ sau sinh có thể tắm gội mà không cần kiêng. Tuy nhiên mẹ cần tắm nhanh, tắm với nước ấm và trong không gian kín. Với các mẹ sinh mổ thì cần hạn chế để vết mổ sau sinh bị ướt. Sau khi tắm xong phải lau bằng khăn sạch để tránh nhiễm trùng.
- Nhét bông gòn vào tai: Quan niệm này bắt nguồn từ xa xưa, khi đó phòng ở, nhà cửa không được kín và việc mẹ sau sinh bịt bông tai để tránh gió lùa, tiếng ồn gây ù tai, đau đầu cho mẹ. Tuy nhiên theo khoa học hiện đại thì việc bịt tai trong thời gian dài không có khả năng bảo vệ cho mẹ sau sinh. Thậm chí việc này có thể gây bí bách, khó chịu và nhiễm khuẩn cho mẹ. Do đó, nếu trong môi trường phòng ốc yên tĩnh, kín gió thì mẹ không cần bịt tai để tránh làm giảm khả năng nghe của tai.
- Nằm than: Theo quan niệm dân gian, mẹ và bé sau khi sinh từ viện về phải có một bếp than đặt dưới gầm giường để đảm bảo sức khỏe và tránh những điều không may xảy ra. Tuy nhiên điều này là phản khoa học. Khói than chứa nhiều CO2 có thể gây ngạt, ngộ độc khí cho mẹ và bé. Hơn nữa, da trẻ sơ sinh còn non nên nằm than nóng rất dễ gây bỏng cho bé. Ngoài ra, với những em bé sinh mổ, các chất đàm nhớt trong người vốn chưa được tống ra nay lại bị khô cứng lại khiến bé dễ mắc bệnh hô hấp.
- Xem điện thoại, tivi, máy tính, đọc sách: Đến nay chưa có một nghiên cứu nào chỉ ra việc xem điện thoại, máy tính, tivi hay đọc sách gây mỏi mắt và lão hóa ở mẹ. Mẹ hoàn toàn có thể xem điện thoại, đọc sách,… để đỡ buồn chán trong quá trình ở cữ. Tuy nhiên mẹ chỉ nên xem ở mức độ vừa phải để tránh việc mắt phải điều tiết quá nhiều.
- Kiêng nói nhiều: Theo dân gian, mẹ sau sinh nói nhiều sẽ bị nói nhịu, nói lắp. Đây là quan điểm phi khoa học, mẹ bỉm vẫn có thể giao tiếp bình thường tuy nhiên không nên nói lớn tiếng để tránh làm ảnh hưởng đến thanh quản, hầu họng.
- Kiêng ăn đồ chua: Nhiều người cho rằng mẹ sau sinh không nên ăn đồ chua để tránh bị trung tiện nhiều hoặc em bé bú sữa bị tiêu chảy. Tuy nhiên thực tế mẹ có thể ăn đồ chua bổ sung vitamin C ở mức độ vừa phải, tránh những đồ ăn quá chua hoặc lên men như dưa muối, cải chua,…
- Kiêng đi ra ngoài: Theo dân gian, sản phụ không được đi ra ngoài 100 ngày mà phải ở trong phòng kín gió. Thực tế, mẹ chỉ cần ở trong phòng kín trong 1 tháng đầu tiên, sau đó mẹ hoàn toàn có thể đi ra ngoài hít thở không khí, không nên ở quá lâu trong phòng gây bí bách tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm gây bệnh.
- Kiêng cắt móng tay, tóc: Dân gian cho rằng việc cắt tóc, móng tay sau sinh sẽ khiến cho mẹ dễ bị vô hồn, mất ý thức, ảnh hưởng đến tuyến sữa và em bé. Tuy nhiên đến nay chưa có bất kỳ nghiên cứu khoa học nào chứng minh điều này là đúng. Mẹ hoàn toàn có thể cắt móng tay và tóc để để đảm bảo vệ sinh và an toàn cho cả mẹ và bé. Có điều là mẹ không nên sơn móng tay và làm tóc với hóa chất bởi sẽ dễ ảnh hưởng xấu tới mẹ và con.
- Kiêng đánh răng: Quan niệm dân gian cho rằng phụ nữ sau sinh cần kiêng đánh răng vì sẽ khiến cho răng bị yếu, mòn chân răng. Đây là quan niệm hết sức sai lầm. Mẹ nên đánh răng 2 lần sáng tối để răng miệng được sạch sẽ, tránh lây bệnh cho em bé.
- Kiêng cầm kim chỉ sau sinh: Dân gian cho rằng mẹ cần kiêng cầm kim chỉ để bảo vệ thị lực. Tuy nhiên chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh điều này. Mẹ có thể làm việc với kim chỉ tuy nhiên chỉ nên làm việc ở mức độ vừa phải để mắt có thời gian thư giãn và phục hồi.
Không kiêng cữ sau sinh gây ra hậu quả gì?
Nếu không tuân thủ những quy tắc kiêng cữ cần thiết, phụ nữ sau sinh có thể đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng:
- Thiếu máu: Quá trình vượt cạn khiến phụ nữ bị mất rất nhiều máu. Nếu mẹ không bổ sung đủ dinh dưỡng và nghỉ ngơi đúng cách có thể khiến cho cơ thể rơi vào tình trạng thiếu máu trầm trọng. Cơ thể mẹ sẽ bị mệt mỏi, suy nhược, chóng mặt, đau đầu, da dẻ xanh xao,…
- Sức khỏe suy yếu: Nếu mẹ không nghỉ ngơi đúng cách và làm việc quá sức sẽ dễ gây ra các vấn đề về tim mạch, tuần hoàn, xương khớp,… Đặc biệt, mẹ không giữ ấm sau sinh sẽ khiến cho cơ thể yếu đi trông thấy vào mùa lạnh.
- Sa tử cung, sa âm đạo và trực tràng: Nhiều mẹ sau sinh đã quay trở lại làm việc quá sớm dẫn đến tình trạng sa âm đạo và trực tràng, khó khăn trong việc đi vệ sinh. Nếu không chăm sóc kịp thời có thể phải thực hiện phẫu thuật để điều trị.
Trên đây là những chia sẻ về việc kiêng cữ sau sinh theo dân gian. Có những quan niệm đúng mẹ cần tuân thủ để mau chóng phục hồi sức khỏe. Nhưng cũng có những quan niệm cổ hủ, phi khoa học mẹ cần nhận biết và loại trừ. Việc kiêng cữ sau sinh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe mẹ. Do đó mẹ không nên coi nhẹ và lơ là để tránh phải hối hận trong tương lai. Hãy theo dõi https://ferrolip.vn/ để không bỏ lỡ những thông tin hữu ích về sức khỏe sinh sản mẹ nhé!
References
↑1 | Sex After Birth: What to Expect and How Long to Wait. Truy cập ngày 31/10/2024. https://www.healthline.com/health/pregnancy/sex-after-birth |
---|