Các chỉ số siêu âm thai có giá trị quan trọng trong việc đánh giá sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ. Trong đó có nhiều chỉ số được ký hiệu và mẹ thường không rõ ý nghĩa như chỉ số AC. Vậy chỉ số AC trong siêu âm thai là gì? Cách xem các chỉ số siêu âm thai như thế nào? Mẹ hãy theo dõi bài viết dưới đây.
Chỉ số AC trong siêu âm thai là gì? Ý nghĩa của chỉ số AC
AC là viết tắt của Abdominal Circumference – nghĩa là chu vi vòng bụng. Trong siêu âm thai, chỉ số AC đề cập đến chu vi vòng bụng của thai nhi và được ghi lại thông qua quá trình siêu âm.
Chỉ số AC cung cấp cho mẹ thông tin về kích thước vòng bụng của thai nhi, được dùng để đánh giá sự phát triển và ước tính tuổi thai. Ngoài ra, chỉ số AC đánh giá các nguy cơ và các vấn đề sức khỏe của thai nhi.
Vào những tháng đầu thai kỳ, chỉ số AC ít có ý nghĩa trong việc đánh giá sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, vào tam cá nguyệt thứ 3, chỉ số AC thường được sử dụng trong việc xác định ngày dự sinh một cách chính xác.
Chỉ số AC bao nhiêu là bình thường?
Thông thường, chỉ số AC của thai nhi sẽ được xác định từ tuần thứ 14 của thai kỳ và sẽ tăng dần qua từng thời kỳ phát triển. Tuy nhiên, chu vi vòng bụng AC ở mỗi thai nhi sẽ khác nhau.
Chu vi vòng bụng của thai nhi theo tuần tuổi
Chỉ số chu vi vòng bụng của thai nhi qua từng tuần tuổi được thể hiện trong bảng dưới đây:
Tuần | AC (mm) | Tuần | AC (mm) | Tuần | AC (mm) |
14 | 80.61 | 23 | 180.42 | 32 | 273.93 |
15 | 91.94 | 24 | 191.16 | 33 | 283.83 |
16 | 103.21 | 25 | 201.83 | 34 | 293.62 |
17 | 114.43 | 26 | 212.41 | 35 | 303.39 |
18 | 125.59 | 27 | 222.9 | 36 | 312.84 |
19 | 136.69 | 28 | 233.3 | 37 | 322.27 |
20 | 147.72 | 29 | 243.61 | 38 | 331.58 |
21 | 158.69 | 30 | 253.82 | 39 | 340.76 |
22 | 169.59 | 31 | 263.93 | 40 | 349.8 |
Thông tin chỉ số trên sẽ khác nhau tuỳ vào từng thai nhi. Các bác sĩ sẽ căn cứ vào chỉ số AC cùng các chỉ số khác để đánh giá tình trạng phát triển của trẻ.
Chu vi vòng bụng thai nhi to hơn có sao không?
Chu vi vòng bụng của thai nhi có thể lớn hơn so với bảng đánh giá. Tuy nhiên, nó không nhất thiết là dấu hiệu của vấn đề nghiêm trọng. Một số nguyên nhân có thể khiến chu vi vòng bụng AC lớn hơn là:
- Thai nhi béo phì: Trong một số trường hợp, thai nhi có thể trở nên tăng cân, béo phì do sự tích tụ mỡ trong cơ thể. Điều này có thể xảy ra khi mẹ có nguy cơ béo phì hoặc khi mẹ mang thai ăn uống quá nhiều.
- Chu vi vòng bụng của thai nhi lớn hơn cũng có thể là dấu hiệu của macrosomia – thai nhi quá lớn so với tuổi thai. Điều này có thể gây ra các nguy cơ trong quá trình sinh và cần phải sinh mổ.
- Tiểu đường thai kỳ: Nếu mẹ không kiểm soát được nồng độ đường trong máu, có thể dẫn đến sự phát triển quá mức của thai nhi và dẫn đến tình trạng tăng cân nhanh chóng và chu vi vòng bụng lớn hơn bình thường.
Chu vi vòng bụng của thai nhi lớn hơn bình thường không phải lúc nào cũng tiềm ẩn nguy cơ. Tuy nhiên, mẹ bầu cần được theo dõi và đánh giá bởi bác sĩ hoặc chuyên gia y tế. Nếu có bất kỳ vấn đề nào nào, bác sĩ có thể đề xuất các biện pháp can thiệp hoặc theo dõi đặc biệt trong quá trình thai kỳ để đảm bảo sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.
Chu vi vòng bụng thai nhi nhỏ hơn có sao không?
Kích thước vòng bụng thai nhi nhỏ hơn có thể là bình thường nhưng cũng có thể là dấu hiệu của một số vấn đề sau:
- Thai nhi kém phát triển: Chu vi vòng bụng của thai nhi nhỏ hơn nhiều so với bảng tham chiếu có thể là do thai nhi kém phát triển hơn.
- Mẹ có chế độ dinh dưỡng hạn chế hoặc kém hấp thu: Việc mẹ mang thai không nhận đủ dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của thai nhi có thể dẫn đến chu vi vòng bụng của thai nhi nhỏ hơn. Điều này có thể xảy ra khi mẹ gặp phải vấn đề về dinh dưỡng hoặc không thực hiện chế độ ăn uống cân đối và lành mạnh.
- Một số vấn đề khác: Chu vi vòng bụng nhỏ hơn của thai nhi cũng có thể là dấu hiệu của các vấn đề y tế khác như tiểu đường thai kỳ hoặc các vấn đề về hệ tiêu hóa của mẹ.
Nếu có bất kỳ lo ngại nào về việc chu vi vòng bụng của thai nhi nhỏ hơn, mẹ nên chia sẻ với bác sĩ về quá trình chăm sóc thai kỳ của mình. Bác sĩ có thể tiến hành các kiểm tra và siêu âm để đánh giá tình trạng sức khỏe của thai nhi và đề xuất các biện pháp can thiệp hoặc theo dõi đặc biệt nếu cần thiết.
Một số yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số AC
Ở mỗi mẹ bầu, chỉ số AC khác nhau và thường ảnh hưởng bởi các yếu tố:
Độ tuổi của mẹ: Khi mang thai ở độ tuổi lớn hơn, chu vi vòng bụng của trẻ thường nhỏ hơn.
- Cân nặng mẹ bầu.
- Tình trạng sức khoẻ của mẹ bầu.
- Chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng của mẹ.
- Do gen di truyền.
Hướng dẫn tính cân nặng thai nhi dựa vào chỉ số AC
Công thức tính cân nặng qua chỉ số AC
Mẹ bầu có thể căn cứ vào chỉ số chu vi vòng bụng của thai nhi để tính cân nặng của thai nhi bằng cách áp dụng công thức sau:
Cân nặng thai nhi (g) = 1,07 x BPD x BPD x BPD x 0,3 x AC x AC x FL
Trong đó: BPD là đường kính lưỡng đỉnh
AC là chu vi vòng bụng (đơn vị cm)
FL là chiều dài xương đùi (đơn vị cm)
Mẹ cần lưu ý đổi đúng đơn vị để áp dụng vào công thức. Ngoài ra, số liệu tính được mang tính chất tham khảo và có thể có sai số không đáng kể.
Bảng theo dõi sự phát triển của thai nhi qua tuần tuổi
Sự phát triển của thai nhi theo từng giai đoạn sẽ khác nhau. Mẹ có thể căn cứ vào bảng sau để đánh giá sự phát triển của trẻ.
Tuần thai | Chiều dài (cm) | Khối lượng (gam) |
10 | 3,1 | 35 |
11 | 4,1 | 45 |
12 | 5,4 | 58 |
13 | 6,7 | 73 |
14 | 14,7 | 93 |
15 | 16,7 | 117 |
16 | 18,6 | 146 |
17 | 20,4 | 181 |
18 | 22,2 | 223 |
19 | 24 | 273 |
20 | 25,7 | 331 |
21 | 27,4 | 399 |
22 | 29 | 478 |
23 | 30,6 | 568 |
24 | 32,2 | 670 |
25 | 33,7 | 785 |
27 | 36,6 | 1055 |
28 | 37,6 | 1210 |
30 | 40,5 | 1559 |
31 | 41,8 | 1751 |
32 | 43 | 1702 |
33 | 44,1 | 1953 |
34 | 45,3 | 2377 |
35 | 46,3 | 2595 |
36 | 47,3 | 2813 |
37 | 48,3 | 3028 |
38 | 49,3 | 3236 |
39 | 50,1 | 3435 |
40 | 51 | 3691 |
Thời điểm siêu âm thai quan trọng mẹ cần lưu ý
Siêu âm thai có ý nghĩa quan trọng giúp bác sĩ đánh giá và theo dõi chính xác tình trạng sức khoẻ của thai nhi. Bác sĩ khuyên các mẹ nên thực hiện siêu âm tối thiểu 3 lần để theo dõi tình hình phát triển của bé và sức khoẻ của mẹ:
- Tuần thứ 5-8: Thời điểm này mẹ cần thực hiện khám thai ngay khi có dấu hiệu trễ kinh hoặc thử que có 2 vạch.
- Tuần thứ 8-10: Ở lần siêu âm đầu tiên, phôi thai chưa làm tổ hoặc chưa có tim thai thì mẹ cần thực hiện siêu âm ở thời điểm này.
- Tuần thứ 11-14: Đây là dấu mốc khám thai quan trọng để mẹ thực hiện đo độ mở da gáy để tầm soát các dị tật thai nhi như down, Edward, Patau,…
- Tuần thứ 16-18: Mẹ vẫn cần siêu âm và thực hiện các kiểm tra để đánh giá sự phát triển của thai nhi. Ngoài ra, thời điểm này cũng thích hợp để mẹ làm Triple test – sàng lọc bệnh lý.
- Tuần thứ 20-24: Thực hiện siêu âm 4D và các xét nghiệm để xác định hình thái, phát hiện những bất thường của thai nhi (hở hàm ếch, sứt môi, dị dạng,…)
- Tuần thứ 24-28: Bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm 2D để theo dõi sự phát triển của trẻ. Và đặc biệt, liệu phát dung nạp glucose sẽ được chỉ định để phát hiện đái tháo đường thai kỳ ở mẹ.
- Tuần thứ 28-32: Bác sĩ sẽ chỉ định mẹ bầu làm siêu âm hình thái học để phát hiện bất thường muộn ở thai nhi như đầu nhỏ, kém phát triển,…
- Tuần thứ 32-36: Mẹ sẽ được khám để kiểm tra phôi thai và sự tăng trưởng của thai nhi. Từ thời điểm này, bác sĩ sẽ chỉ định mẹ đi khám thai 2 tuần 1 lần.
- Tuần thứ 36-40: Bác sĩ sẽ chỉ định mẹ đi khám thai mỗi tuần để đánh giá thai nhi và tiên lượng khả năng sinh ngả âm đạo của mẹ.
Ý nghĩa một số chỉ số siêu âm thai quan trọng
Ngoài chỉ số AC, trên phiếu siêu âm thai còn chứa thông tin của nhiều chỉ số quan trọng khác mà mẹ cần lưu ý như sau:
- Gestational age (GA): Tuổi thai
- Crown rump length (CRL): Chiều dài đầu mông
- Biparietal diameter (BPD): Đường kính lưỡng đỉnh
- Femur length (FL): Chiều dài xương đùi
- Estimated fetal weight (EFW): Cân nặng thai nhi ước tính
- Gestational sac diameter (GSD): Đường kính túi thai (khi các cơ quan của thai nhi chưa hình thành)
- Transverse trunk diameter (TTD): Đường kính ngang bụng
- Anterior-Posterior thigh diamete (APTD): Đường kính trước và sau bụng
- Head circumference (HC): Chu vi đầu thai nhi
- Amniotic fluid (AF): Lượng nước ối trong túi
- Amniotic fluid index (AFI): Chỉ số đo lường lượng nước ối
- Occipital frontal diameter (OFD): Đường kính của xương chẩm
- Estimated date of delivery (EDD): Ngày dự sinh của trẻ
Bài viết trên đã giải đáp giúp bạn câu hỏi chỉ số AC trong siêu âm thai là gì và cung cấp bạn một số thông tin về cách đọc giấy siêu âm. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về sức khỏe thai kỳ, hãy liên hệ đến tổng đài chăm sóc sức khỏe của Ferrolip qua hotline 1900.636.985 hoặc truy cập https://ferrolip.vn/.